Cho thuê đồ sự kiện, cho thuê âm thanh, cho thuê thiết bị sự kiện

Bài học dành cho lớp trẻ từ nạn đói năm 1945

Đọc những bài viết về nạn đói của VnExpress đăng mấy ngày qua tôi có cả hai cảm giác buồn và vui lẫn lộn. Buồn vì cảm thương sự khốn khổ, đau thương, mất mát tột cùng của đồng bào ta năm đó. Vui vì gần 70 năm qua nước ta đã phát triển, xuất khẩu được gạo.

70 năm cũng chưa phải là khoảng thời gian quá xa, những nguồn tư liệu bằng bài viết, hình ảnh luôn dễ tìm trên mạng để ai có nhu cầu muốn biết về nạn đói. Vì thế, tôi nghĩ chuyện làm cho lớp trẻ ngày nay tin vào trận đói năm Ất Dậu không phải là một việc quá khó khăn.

Việc làm cho lớp trẻ ngày nay tin trong tương lai vẫn còn nguy cơ  thảm cảnh nạn đói năm 1945 mới khó. Sở dĩ tôi nói vậy vì ngày nay kinh tế xã hội ngày càng phát triển mạnh mẽ. Nhà nào nghèo lắm thì cũng đã có trợ cấp của Chính phủ, của địa phương dành cho các hộ nghèo.

Ngoài ra còn có sự hỗ trợ của các tổ chức thiện nguyện nên chắc chắn không có đứa trẻ nào có thể tin rằng sẽ có ngày chúng phải đi bới rác, bắt chuột, rán… để ăn chống đói.

Vậy lớp trẻ có đáng trách không? Tôi thì nghĩ là không. Họ lạc quan là tốt vì chính sự cố gắng lao động và cống hiến của các lớp người đi trước đã tạo cho chúng sự tin tưởng đó. Mặt khác, 70 năm qua chúng ta đã trải qua bao nhiêu biến cố mà còn không có trận đói nào nữa thì chúng ta phải tự tin rằng mãi mãi về sau sẽ không bao giờ có thể chết vì đói được.

Chỉ cần xem qua một vài bức ảnh, đọc qua vài bài báo chính thống là những người chưa biết cũng sẽ tin về trận đói năm 1945. Qua đây ta có thể trực tiếp hoặc gián tiếp giáo dục lớp trẻ biết cảm thông với sự đau đớn, mất mát của đồng bào và rộng hơn là đồng loại. Chúng ta phải chỉ dạy cho lớp trẻ biết biết trân trọng những gì mà nó đang có và biết cách chia sẻ với những người kém may mắn hơn trong xã hội.

Sống ngắc ngoải trong nạn đói 1945. Ảnh tư liệu.

Nếu ai bảo lấy nạn đói để dạy họ phải biết quý trọng đồ ăn đến mức ăn phải vét thật sạch bát, làm sạch cơm dính ở đũa, hay thậm chí nhặt cả hạt cơm rơi vãi để ăn thì tôi lại không đồng tình. Bởi tôi nghĩ tiết kiệm thức ăn suy cho cùng cũng chỉ là tiết kiệm tiền. Hãy bớt tiêu tiền vào những thứ vô bổ khác để bữa ăn gia đình được đủ đầy và có thừa một chút cũng không sao hết.

Tuy nhiên việc ăn phải để thừa lại đồ ăn ở đây không đồng nghĩa với việc lấy đồ ăn thừa mứa trong các bữa tiệc buffet ở các nhà hàng vì đó là sự vô ý thức cần lên án.

Vậy qua đây cần giáo dục cái gì cho lớp trẻ? Tôi nghĩ có rất nhiều bài học giáo dục như khuyên họ hãy nhớ về trận đói này. Từ đó họ biết phấn đấu học tập, làm việc tốt hơn để góp phần đưa đất nước ngày càng phồn thịnh, vững mạnh. Dạy họ biết tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ những người nghèo khó, thiếu may mắn trong xã hội này. Dạy họ biết cách làm sao để giúp đất nước này không bao giờ phải lặp lại thảm cảnh chiến tranh và dịch bệnh…

Hiện nay, Việt Nam là một nước xuất khẩu gạo lớn nhất nhì thế giới điều này khiến ai cũng vui. Tuy nhiên tôi sẽ thấy vui hơn nữa nếu Việt Nam là một nước xuất khẩu điện thoại, máy tính, ô tô… ra thế giới.

Tôi tin là có nhiều người cũng có ý nghĩ như vậy. Bởi làm nông nghiệp từ xưa đến nay có bao giờ giàu được đâu. Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam là vựa lúa của thế giới nhưng còn ít người được sung túc và giàu có từ trồng lúa.

Nói đến đây sẽ có người lại đặt vấn đề an ninh lương thực lên hàng đầu. Điều đó đúng song tôi nghĩ chúng ta chỉ cần duy trì lượng tiêu dùng trong nước là đủ. Thậm chí nếu thiếu thì cũng có thể nhập khẩu để bù vào chứ không nhất thiết cứ phải bám vào việc trồng lúa.

Cuối cùng tôi chỉ muốn nói với các bạn trẻ ngày nay hãy nhớ về trận đói lịch sử năm 1945, đừng hài lòng với cuộc sống trong hiện tại và hãy phấn đấu nhiều hơn nữa vì một Việt Nam giàu mạnh trong tương lai.

Đặng Ngọc Hưng